Chúng ta không cần một xã hội lý tưởng hay một thế giới hoàn hảo mới thực hành Từ ái. Chúng ta thực hành không phải để cứu thế giới hay làm cho nó trở nên hoàn hảo. Chúng ta thực hành vì chính bản thân chúng ta, vì sự bình an và hạnh phúc của chúng ta. Bất kỳ mục đích nào khác đều là thứ yếu. Nếu trọng tâm nằm ở bên ngoài bản thân mình, chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu. Nhưng may thay, hạnh phúc của chúng ta lại gắn bó mật thiết với hạnh phúc của những người khác; vì vậy, thực sự thực hành Từ ái vì lợi lạc của chính mình thì cũng chính là lợi tha.
Trong Kinh Lợi ích của Từ ái (Metta Nisamsa Sutta), Đức Phật liệt kê mười một lợi ích có được từ việc thực hành Tâm Từ – và tôi có thể nói thêm rằng có nhiều lợi ích trong số này đang được các nghiên cứu khoa học hiện đại xác nhận!
Dưới đây là danh sách các lợi ích mà Đức Phật liệt kê:
- Ngủ ngon giấc
Khi lên giường đi ngủ với cảm giác Từ ái với chính mình và những người khác, bạn sẽ thấy thư thái và ngủ yên giấc.
- Thức dậy sảng khoái
Khi bạn có một giấc ngủ ngon, bạn sẽ thức dậy với cảm giác thư giãn và thoải mái. Với thân tâm thư thái, bạn có thể kết nối với gia đình, bạn bè, người thân, láng giềng và thậm chí là người dưng một cách chân thành và không phân biệt người thân kẻ sơ. Bạn cảm thấy tươi tỉnh, phấn chấn, và vui vẻ cả ngày.
- Không gặp ác mộng
Khi bạn thực hành Tâm Từ, bạn có đủ sức mạnh để đối mặt với bất cứ chuyện gì xảy ra. Và thực tế, Đức Phật nói rằng bạn không bị ác mộng khi bạn thực hành Tâm Từ.
- Cơ thể thư giãn và nét mặt vui tươi
Cơ thể của bạn phản ánh tâm của bạn. Khi bạn cảm thấy yêu thương tất cả chúng sinh, điều đó sẽ thể hiện ra trên gương mặt bạn. Nhìn thấy vẻ mặt chân thành, bình an của bạn, những người khác sẽ muốn gần bạn và thấy hoan hỷ khi ở bên bạn.
- Ngay cả động vật và phi nhân cũng cảm thấy sự thu hút của bạn
Khi bạn thực hành Tâm Từ, tâm của bạn tạo ra một trường năng lượng bình an xung quanh mình. Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với loại năng lượng này – và các loài phi nhân cũng cảm nhận được như thế! Một lần, tôi đang dắt con chó Brown đi dạo và một cặp vợ chồng tiến về phía chúng tôi. Người phụ nữ quỳ xuống ngang với Brown và nói chuyện với nó. Con chó vẫy đuôi và trở nên rất thân thiện với cô. Người đàn ông tỏ ra sợ hãi thì Brown lại gầm gừ với anh ta.
- Được chư thiên bảo vệ
Có những lúc chúng ta cảm thấy như mình được dẫn dắt và che chở bởi những chúng sinh mà ta không nhìn thấy được. Nhận thức điều này như một dạng hộ trì sẽ đem đến cho ta sự bình an. Cho dù điều này là đúng theo nghĩa đen hay có một nguồn năng lượng khác nào đó cho chúng ta cảm giác được dẫn dắt và bảo vệ, thì Đức Phật cũng đã xem điều này là một trong số những lợi ích của việc thực hành Tâm Từ. Hãy nhớ lại câu chuyện về phản ứng của chư thiên trong rừng khi các nhà sư bắt đầu đọc Kinh Tâm Từ.
- Lửa, thuốc độc và vũ khí không hãm hại được
Trong những câu chuyện cổ xưa, có nhiều yếu tố mang tính tượng trưng, hoặc thần thoại. Đức Phật đã kể những câu chuyện về những đạo sĩ thực hành Tâm Từ và được bảo vệ khỏi lửa, thuốc độc và vũ khí. Đức Phật giải thích rằng tham lam, sân hận, và si mê chính là lửa, thuốc độc, và vũ khí mà Tâm Từ bảo vệ chúng ta thoát khỏi chúng.
Trong Kinh Lửa cháy (Aditta Pariyaya Sutta), Đức Phật dạy rằng thuốc độc có trong ba thứ – tham lam, sân hận và si mê. Đức Phật nói tam độc này, giống con dao có thể băm nát tâm bình an thành từng mảnh.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya), Đức Phật đã mô tả về các loại vũ khí của thân, khẩu, và ý. Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Udana), Ngài nói rằng: “Họ bắt đầu gây gổ, cãi vã, tranh luận, gây thương tổn bằng những lời nói sắc như dao đâm vào người kia: ‘Như thế này mới là Chánh Pháp, như thế kia không phải là Chánh Pháp.’” (Udana 6.4).
Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Đức Phật dạy rằng: “Không lửa nào bằng tham dục, không ác nào bằng sân hận, không khổ nào bằng vô minh, không hạnh phúc nào lớn hơn bình an.” (Dhammapada, XV.202)
Một câu chuyện nổi tiếng về sức mạnh của Tâm Từ kể rằng, có một tín đồ tâm huyết theo Phật tên là Uttara đã rất đau khổ vì nàng được gả vào một gia đình giàu có nhưng không biết tôn kính Đức Phật, và do đó, mùa an cư kiết hạ đã diễn ra được hai tháng rưỡi rồi mà nàng vẫn chưa có cơ hội được gặp và cúng dường Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Nàng cảm thấy tuyệt vọng nên cha nàng khuyên nên thuê một kỹ nữ để chăm lo cho chồng trong thời gian nàng tham gia tu tập hai tuần cuối cùng của mùa an cư kiết hạ. Uttara vui mừng làm theo và từ hôm đó nàng được rảnh rang để thỉnh mời Đức Phật và các đệ tử của Ngài tới thọ trai và giảng Pháp.
Một hôm, khi đang đứng trên lầu cao nhìn ra ngoài cửa sổ, chồng của Uttara tình cờ thấy nàng đang lấm lem trong bếp tất bật chuẩn bị cho buổi đặt bát cúng dường và anh ta thấy nàng thật thảm hại khi không muốn hưởng thụ cuộc sống giàu sang phú quý với anh ta. Thấy người chồng tỏ ra coi thường vợ mình, người kỹ nữ tên là Sirima nảy sinh âm mưu hãm hại Uttara để cô ta có thể trở thành vợ của người đàn ông kia. Sirima lẻn vào bếp múc một muôi mỡ đang sôi và định bụng hất lên người Uttara.
Thấy cô kỹ nữ đang tiến đến, Uttara đoán được ra ý đồ và nàng liền nhắm mắt lại, bình tĩnh niệm Tâm Từ. Cùng lúc đó, các hầu gái của Uttara cũng phát hiện ra hành vi xấu xa này và chạy đến để ngăn chặn Sirima. Những người hầu tóm lấy Sirima và đánh đập túi bụi nhưng Uttara đã can thiệp để cứu kẻ muốn hại mình. Sau đó, Uttara tắm rửa cho Sirima bằng nước ấm, và lấy các loại thảo mộc và tinh dầu xoa bóp cho cô để làm dịu vết thương. Sirima quỳ xuống đất và cầu xin sự tha thứ của Uttara. Uttara nói rằng nàng sẽ tha thứ cho Sirima nếu đó là điều Đức Phật khuyên nàng.
Ngày hôm sau, Sirima đến sám hối với Đức Phật về hành vi xấu xa của mình. Đức Phật hỏi Uttara xem nàng cảm thấy thế nào khi Sirima muốn đổ mỡ sôi lên người nàng, và Uttara trả lời: “Con rất biết ơn Sirima vì đã chăm sóc chồng con để con có thể tu tập trong hai tuần an cư kiết hạ với Tăng đoàn cao quý. Con không có ác ý với cô ấy mà chỉ yêu thương.” Đức Phật khen ngợi nàng: “Tốt lắm, Uttara. Bởi không có ác ý, con đã chế ngự được người ngược đãi con. Với tâm hào phóng, con đã chinh phục được người tâm địa hẹp hòi. Bằng cách nói lên sự thật, con đã thuần phục được một người lừa dối.” Theo lời khuyên của Đức Phật, Uttara đã tha thứ cho Sirima và Sirima đã quy y Phật.
Trong một câu chuyện khác, Đức Phật kể về Culasiva Thera, một người hoàn toàn không bị nhiễm độc nhờ sự thực hành Tâm Từ thuần thục của mình. Chú giải Kinh Pháp Cú kể về bốn vị Sa di thực hành Từ ái cao sâu đến mức họ không thể bị vũ khí hãm hại. Không chỉ các đệ tử của Đức Phật được hộ trì bởi Tâm Từ, mà trong một câu chuyện khác, một con bò cũng đã thoát khỏi một mũi tên nhờ tình yêu thương của nó dành cho con bê con của mình. Đức Phật dạy rằng sáu giác quan (lục căn): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – luôn là lửa cháy. Bất kỳ một căn nào trong số đó cũng đủ để thiêu rụi chúng ta.
Đức Phật dạy rằng cách hóa giải chúng là thấy thực tại [chân đế]. Giữ chánh niệm và quan sát các cảm giác và trạng thái ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Hãy suy ngẫm về cảm nhận của chính bạn; xem bản thân mình đã bao lần bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tham sân si, và tâm của bạn đã bao lần bị đầu độc bởi tham sân si. Khi bạn thực hành Tâm Từ, hơi thở của bạn trở nên nhẹ nhàng, và bạn cảm thấy tràn ngập tình yêu thương và lòng trắc ẩn đến mức tâm của bạn tự nhiên mong muốn tất cả chúng sinh được sống trong bình an và hòa ái.
- Tâm nhanh chóng trở nên bình yên
Tâm Từ khơi dậy cảm giác thân thiện làm cho chúng ta thanh thản và hạnh phúc. Đó thực sự là một lối sống tuyệt vời!
- Sắc diện của bạn tươi sáng lên
Tâm Từ thể hiện trên gương mặt của bạn. Khi bạn thực hành Tâm Từ, hỷ (niềm vui) sinh khởi. Lúc đầu, nó hầu như rất khó nhận thấy, nhưng khi hỷ tăng lên, nó bắt đầu lan ra khắp toàn bộ thân tâm của bạn. Tâm Từ không phụ thuộc vào bất cứ thời gian, địa điểm hoặc điều kiện cụ thể nào.
Một khi đã được khơi dậy, Tâm Từ có thể hiện hữu nơi bạn đến hết cuộc đời. Gương mặt của bạn không thể che giấu những gì đang diễn ra trong tâm bạn. Khi bạn tức giận, điều đó sẽ thể hiện trên gương mặt bạn. Khi bạn bình an, mọi người đều thấy. Năng lượng của Tâm Từ truyền đi trong máu của bạn và nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể bạn. Bạn trông tươi sáng và rạng rỡ, thanh thản và bình an.
- Chết với tâm tỉnh táo
Giờ phút lâm chung sẽ diễn ra thanh thản. Khi chúng ta có những vấn đề chưa được giải quyết, giờ phút lâm chung sẽ rất khó khăn. Tâm Từ ái có thể làm cho cái chết dễ dàng hơn đối với người đang hấp hối và những người xung quanh.
Có một sự khác biệt giữa bình an thực sự và bình an bề ngoài. Bạn có thể có vẻ vui vẻ; bạn thậm chí có thể làm mọi người cười. Nhưng khi đối diện với cái chết, nếu tham sân si vẫn đang ẩn náu trong tâm hồn bạn, thì sự vui vẻ đó sẽ tan biến.
Thực hành Từ ái ngấm sâu vào trong ý thức của bạn và làm cho tâm của bạn thực sự bình an. Với Tâm Từ, bạn sẽ chết thanh thản, không vướng bận.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya), Samavati, một hoàng hậu được Đức Phật tuyên bố là đệ nhất thánh nữ về thực hành Tâm Từ, đã bị thiêu sống trong khi đang hướng dẫn một khóa tu về Tâm Từ cho các cung nữ. Thủ phạm là Magandiya. Quá kiêu hãnh về sắc đẹp của mình, Magandiya đã khước từ hết nhữngngười đến cầu hôn mình. Một ngày nọ, cha nàng nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây và đề nghị gả con gái mình cho Đức Phật. Đức Phật đã giải thích về lời thệ nguyện sống đời độc thân của mình và sự khước từ của Ngài khiến cho Magandiya cảm thấy bị xúc phạm, và quyết tâm tìm cách trả thù. Magandiya biết rằng Samavati là một trong những nữ cư sĩ được Đức Phật yêu quý, vì vậy nàng đã phóng hỏa đốt cháy cung điện nơi Samavati đang hướng dẫn một khóa tu Tâm Từ cho năm trăm cung nữ. Tất cả đều thiệt mạng trong đám cháy.
Khi bị thiêu sống, Samavati tuyên bố: “Qua nhiều đời nhiều kiếp, thân xác của chúng ta đã bị thiêu đốt hết lần này đến lần khác. Vì chúng ta cứ sinh ra rồi lại chết đi và tái sinh trở lại, nên hãy giữ vững Chánh niệm! [để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi này.]” Lời nói của nàng mạnh mẽ đến mức năm trăm cung nữ chết cùng lúc ấy với nàng đã được truyền cảm hứng để thực hành thiền Tâm Từ trong những giây phút cuối cùng của họ. Mặc dù thân xác của họ bị lửa thiêu rụi, song tâm họ đã được giải thoát.
- Bạn sẽ chết trong bình an
Nếu đến lúc lâm chung mà bạn vẫn chưa đạt tới chân lý tối cao, bạn vẫn sẽ tái sanh vào cảnh giới thiện lành.
Nếu bạn chưa hoàn thành con đường giác ngộ trước khi từ giã thế gian, thì trạng thái bình an do Tâm Từ tạo ra vẫn sẽ cho phép bạn được tái sinh vào cõi trời.
Cho dù ta có chấp nhận cõi trời có thực hay không thì điều này vẫn khuyến khích chúng ta thực hành Từ ái khi chúng ta có thể.
(Bài viết được trích từ cuốn “Tâm Từ – Thực hành căn bản” của Thiền sư Bhante Hepola Gunaratara. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách tại đây.)