Các thiền sinh mới là những người tới học về thiền. Các vấn đề của họ thường đi dưới ba dạng: phiền não mạnh, ngũ căn yếu, thiếu các yếu tố hỗ trợ phù hợp.
1. Phiền não mạnh
Không đúng khi nói rằng tất cả các thiền sinh mới đều có phiền não mạnh nhưng sẽ an toàn hơn khi giả định rằng tất cả họ đều liên tục phải đương đầu với phiền não khi họ cố gắng hành thiền. Tiến trình “thanh lọc” ban đầu là cần thiết và không thể tránh khỏi nhưng có thể rất khó khăn. Điều này đã được đề cập trong các chương trước về “Năm chướng ngại” và tiến trình “thanh lọc” trong thực hành Vipassana. Ví dụ như, sự mê đắm có thể xuất hiện dưới dạng ham muốn dục lạc, sang chấn tâm lý xuất hiện dưới dạng sân hận, thái độ chỉ trích, phê bình xuất hiện dưới dạng hoài nghi. Sự trì hoãn, chần chừ ẩn dưới hôn trầm, nhưng thông thường thì nó ẩn dưới sự dao động bất an.
Ở phạm vi rộng, chúng có thể được vượt qua khi chánh niệm đã đạt đến mức độ liên tục và mạnh mẽ. Đôi khi hành giả có thể cần thêm sự trợ giúp từ các bài thực hành thiền định phù hợp như thiền Tâm Từ đối với những cá nhân có căn tính hay giận dữ. Nếu vẫn không có hiệu quả, thì có lẽ bạn đã không có được những lời hướng dẫn đúng đắn ngay từ lúc khởi đầu!
2. Ngũ căn yếu
Cũng không công bằng khi kết luận rằng tất cả những thiền sinh mới đều có các thiện căn yếu ớt bởi vì nhiều người đã từng đào luyện chúng trong các hình thức tu tập trước đó hay trong các kiếp quá khứ. Nhưng nếu như đó là lần đầu tiên họ thực hành vipassana, thì đó có thể là lần đầu tiên trong đời họ sẽ phải vun bồi nó theo phương cách phát triển ngũ căn – những điều sẽ dẫn hành giả đi theo con đường Bát Chánh Đạo hướng tới Nibbana. Giải pháp sau đó sẽ là áp dụng phương pháp và kỹ thuật đúng đắn được thực hiện theo các cách thức có hệ thống và rõ ràng trong môi trường phù hợp mà tâm có thể đi theo và chấp nhận. Chìa khóa tiếp theo sẽ là sự bền bỉ trong việc làm sinh khởi chánh niệm vipassana cho đến khi nó trở nên liên tục và tự động. Sau đó với một số kỹ năng và hướng dẫn từ thiền sư, mọi thứ sẽ diễn tiến theo đúng quỹ đạo.
3. Các điều kiện hỗ trợ thích hợp
Một lần nữa, sư xin nhắc lại bảy điều kiện thích hợp đã được đề cập trong các chương trước. Bảy điều kiện đó là:
- Trú xứ
- Thời tiết
- Thức ăn
- Ngủ nghỉ
- Nói chuyện
- Oai nghi
- Con người
Nếu như không có được hay tạo ra được những điều kiện tốt nhất cho thiền tập thì hành giả sẽ phải tìm kiếm những điều kiện phù hợp cho việc tu tập của mình. Đối với các điều kiện bên trong, thì chúng không là gì khác ngoài ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Thông thường, sư nghĩ chìa khóa chính sẽ là:
- Người bạn tâm linh hay vị thầy tốt [thiện tri thức]
- Ý chí đúng đắn
- Môi trường thích hợp
Theo Bhante Sujiva trong “Tree of Wisdom, the River of No Return”