Giới thiệu sách “Tìm hiểu về Niết bàn,” tác giả: Mahasi Sayadaw, dịch giả: tỳ khưu Pháp Thông
Trong phần tiếp theo của chương 1, ngài Mahasi Sayadaw tiếp tục trình bày Niết bàn, sự hủy diệt của tam luân (phiền não luân, nghiệp luân và quả luân) là sự an tịnh (santi) tuyệt đối. Trong Kinh Châu Báu (Ratana Sutta), sự an tịnh này được ví với ngọn lửa bị dập tắt.
Nghiệp mới không sinh khởi,
Nhàm chán kiếp lai sinh,
Chủng tử dục đoạn tận
Bậc trí chứng Niết bàn
Ví như ngọn đèn tắt.”
Con đường tu tập để chứng đắc Đạo Quả, Niết Bàn là hành thiền Minh sát, khởi đầu với việc giữ giới và phát triển định tâm (có thể là an chỉ định hoặc sát na định) rồi phát triển các tuệ giác từ kiến tịnh, tuệ sinh diệt, … cho đến đắc Đạo, đắc Quả.
Để tham khảo về quá trình tu tập tuần tự này, các đạo hữu có thể đọc các tác phẩm của ngài Mahasi: “Sự tiến triển của thiền Minh sát,” “Chánh Niệm và Tuệ Giác” và đặc biệt là cuốn “Cẩm nang Pháp hành Minh sát.”
Ở đầu chương, Ngài Mahasi Sayadaw đã giải thích sự hoạt động của tam luân, và ở phần sau, ngài trình bày ngắn gọn vì sao pháp hành minh sát lại làm cho tam luân dừng lại hay cắt đứt vòng sinh tử luân hồi (saṃsāra).
“Để ngăn không cho phiền não luân sinh khởi thì sự vận hành của vòng quả luân phải được quan sát và ghi nhận với Tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã), vì thực tại tuyệt đối của các pháp hữu vi sẽ xua tan mọi phiền não. Khi vô minh vắng mặt, ái không thể sinh; và ái không có mặt, thủ sẽ tàn lụi. Lúc đó, do vòng nghiệp luân ngừng hoạt động nên những quả nghiệp cũng không thể được tạo ra. Theo cách này, cả tam luân đều giảm lần.”
Để có giải thích chi tiết và cặn kẽ hơn, các đạo hữu có thể tham khảo cuốn “Trạng thái tâm giải thoát’ của Sayadaw U Pandita.
Bởi vì Niết bàn là mục tiêu tu tập của chúng ta, và như cổ nhân vẫn thường nói: “Sai một ly, đi một dặm,” cho nên việc hiểu đúng về Niết bàn là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, với đa số chúng sinh vẫn còn vô minh và tham ái, Niết bàn lại là điều rất khó hiểu và do đó rất dễ hiểu nhầm. Trong chương này, Mahasi Sayadaw lưu ý một số hiểu nhầm về Niết bàn, dẫn đến diễn giải và thực hành sai lầm.
“Sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.”
(trích Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ Kinh số 27)
Hiểu nhầm thứ nhất: “Bởi vì Niết bàn là vô vi, do đó muốn giác ngộ Niết bàn thì không nên tạo thiện nghiệp.”
Đây là một hiểu nhầm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn lao đến việc tu tập của hành giả, nên ngài Mahasi đã nhắc đến hiểu nhầm này hai lần trong chương 1 (và một vài lần trong các chương tiếp theo). Chúng ta cần hết sức cẩn trọng tránh xa tà kiến về pháp hành này trong việc tu tập của bản thân mình.
Đúng là một bậc Thánh A la hán không còn tạo nghiệp mới nữa. Nhưng điều này chỉ có nghĩa là bậc Thánh A la hán thực hiện các điều thiện với tâm duy tác, không có phiền não như phàm nhân nên những nghiệp công đức này không cho quả. Chứ nó không hề có hàm ý các bậc Thánh không làm việc thiện. Một số người có cách giải thích sai lầm khi nói rằng những người muốn giác ngộ giải thoát không nên làm việc thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền mà chỉ để cho mọi thứ diễn ra theo tự nhiên, không chủ ý tạo tác. Nếu dừng làm việc thiện, bạn sẽ có khuynh hướng đắm chìm trong điều ác mà không cảm thấy e sợ hay hối hận (vô tàm, vô quý), do bị xúi giục bởi tham, sân, si, ngã mạn hay tà kiến. Những ác quả của bạn chắc chắn sẽ dẫn đến những ác quả tương xứng, trong trường hợp đó bạn sẽ đọa vào những cõi khổ sau khi chết.
Hiểu nhầm thứ hai: “Nếu Niết bàn thực sự là hạnh phúc thì bậc A la hán đã nhập Niết bàn ngay sau khi giác ngộ rồi.”
Hiểu nhầm này dựa trên suy nghĩ rằng bậc A la hán có tham ái đối với Niết bàn nên sẽ nhập Niết bàn ngay sau khi giác ngộ hoàn toàn. Nhưng bậc A la hán không còn tham ái, nên vị ấy không mong muốn chết cũng không mong muốn sống. Vị ấy chỉ chờ thời nhập vô dư Niết bàn, sự hủy diệt của năm uẩn, vì chỉ khi vị ấy thành tựu bát Niết bàn, thì vị ấy mới có thể quăng bỏ được gánh nặng năm uẩn này.
Hiểu nhầm thứ ba: “Niết bàn không có cảm thọ thì sao lại có lạc.”
Thông thường chúng ta liên hệ hạnh phúc với việc được hưởng thụ một cảm giác an lạc, sung sướng (lạc thọ) nào đó. Nhưng đó không phải là hạnh phúc chân thực. Khi hành thiền các dục lạc được từ bỏ và hạnh phúc của thiền tốt đẹp hơn lạc của các ham muốn giác quan hay dục lạc rất nhiều. Và hạnh phúc của Niết bàn hay hạnh phúc không có cảm thọ (lạc vô thọ) vượt xa lạc hữu thọ của dục lạc và các tầng thiền, và đó mới là hạnh phúc chân thực.
Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất): “Quả thực, trong Niết bàn không có thọ cũng không có dục, và sự vắng mặt (của thọ và dục) này tự nó là lạc.”
Trên đây là một số hiểu nhầm về Niết bàn về phương diện lý thuyết. Để tham khảo một số trạng thái tốt đẹp có thể bị nhầm lẫn là Niết bàn, ngoài chủ đề về các tùy phiền não của thiền Minh sát, mời các đạo hữu tham khảo cuốn “Cây giác ngộ và dòng sông không trở lại” của thiền sư Bhante Sujiva (dự kiến sẽ xuất bản vào năm 2025) phần nói về Niết bàn.
Hà Nội, ngày 02/9/2024
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh