HÒA THƯỢNG THIỀN SƯ KHIPPAPAÑÑO KIM TRIỆU
Đại lão Hòa thượng Mahāsi là một trong những vị thiền sư danh tiếng hàng đầu của thế kỷ 20, có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng khắp các Châu Á, Âu, Mỹ trong công cuộc truyền bá Phật Pháp nhất là pháp môn thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna).
Ngài dạy thiền tại Trung tâm Sasana Yeiktha từ năm 1947, nơi các bậc tôn túc lỗi lạc nhất đến thọ giáo trong nhiều năm và sau đó đã về thành lập các trung tâm thiền nổi tiếng khắp Miến Điện như trường thiền của Ngài Shwe Oo Min, Ngài U Paṇḍita, Ngài U Kuṇḍala, Ngài U Janaka, Ngài U Sīlānanda… Ngoài ra, Ngài cũng có rất nhiều đệ tử cư sĩ thành công xuất sắc tạo được tầm ảnh hưởng rộng lớn khắp Âu Mỹ như Ngài Munindra, Bà Dipa Ma trong phong trào phát huy và phổ biến pháp môn thiền quán.
Trong kỳ Hội Nghị Thế Giới Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển lần VI ở Miến Điện, Ngài Mahāsi là tọa chủ các ban kết tập. Thủ tướng U Nu, lúc bấy giờ là đệ tử của Ngài Mahāsi, đã hỗ trợ đắc lực cho Đại Hội và do đó Ngài có cơ duyên thù thắng để truyền bá rộng rãi pháp môn thiền Satipaṭṭhāna của Ngài đến các thành viên phái đoàn tham dự Đại Hội (trong đó có Ngài Giới Nghiêm, nguyên Tăng Thống Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, đã ở lại Trung tâm Mahāsi thiền tập 6 tháng và đem pháp thiền này về dạy lại cho Tăng Ni Việt Nam).
Từ trước khi học thiền trực tiếp với ngài Mahāsi, sư đã có nhiều nhân duyên với phương pháp thiền này. Ngay từ năm 1957, Sư ra Chùa Tam Bảo, Đà Nẵng để học Pāli và giáo lý với Ngài Giới Nghiêm và Đại Đức Shanti Bhadra (người Tích Lan). Lúc ấy, Sư chỉ được nghe ngài Giới Nghiêm giảng chứ chưa có điều kiện thực tập nhưng đã có niềm tin rất mạnh mẽ về phương pháp thiền của truyền thống Mahāsi.
Từ năm 1967 đến 1975, sư có duyên lành được học thiền Minh Sát và giáo lý với Ngài Anāgārika Munindra tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ và được Ngài Munindra cưu mang chăm sóc như mẹ hiền suốt chín năm. Ngài Anāgārika Munindra, người Bengali, đã hoàn mãn xuất sắc về pháp hành sau mười bảy tháng tu tập tích cực ở Trung tâm Mahāsi, là đệ tử ưu tú và là phụ tá thiền sư của Ngài Mahāsi. Ngài là một trong những thiền sư ưu tú nhất của kỷ nguyên truyền bá Phật Pháp sang Âu Mỹ. Ngài là vị thầy chính yếu cho các hành giả Tây Phương mà ngày nay đã trở thành những đạo sư, văn sĩ, học giả có tầm vóc trong phong trào truyền bá Phật Pháp sang Tây Phương như Joseph Goldstein, Jack Kornfield, Sharon Salzberg… Đồng thời, Ngài cũng là du sĩ Ấn đầu tiên đem Giáo Pháp Nguyên Thủy về hoằng dương ngay tại đất nước mà Đạo Phật đã khởi sanh và hầu như đã bị mai một trong gần mười thế kỷ nay. Sư luôn ghi nhớ những lời giảng dạy của Thầy Munindra ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ở Bồ Đề Đạo Tràng và đã áp dụng lời dạy này trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo của mình.
Cũng trong thời gian ở Ấn Độ, sư đã có may mắn gặp bà Dipa Ma. Bà Dipa Ma là vị nữ thiền sư đầu tiên trong hệ thống tu viện Theravada hầu như chỉ dành riêng cho nam giới. Bà là nữ thiền sư Á Châu đầu tiên được thỉnh giảng ở Hoa Kỳ. Tuy qua dạy chỉ có hai lần nhưng Bà đã tạo một ảnh hưởng lớn lao cho nền thiền học tại Mỹ quốc. Bà là nữ hành giả ưu tú của trường thiền Sasana Yeiktha của Hòa thượng Mahāsi dưới sự rèn luyện trực tiếp của Ngài Munindra, vừa là vị thầy vừa là người đồng hương cùng dòng dõi thị tộc của Bà. Cũng ngay trong Trung tâm Mahāsi, Bà đã thành tựu mỹ mãn các tầng Tuệ Minh Sát, sau đó cũng thành công xuất sắc về thiền định, chứng đắc nhiều bậc thần thông khi thực tập thiền chỉ (samatha) do có nhiều Ba La Mật thâm sâu. Bà giảng dạy theo kinh nghiệm thực chứng chứ không theo lý thuyết suông.
Lần đầu tiên tuy chưa gặp trực tiếp nhưng chỉ nghe vài câu sách tấn của Bà qua Sư bạn Rastrapal là Sư đã đặt niềm tin nơi Bà. Khi gặp mặt, Sư thấy Bà như một vị đệ tử của Đức Phật hồi Đức Thế Tôn còn tại thế. Bà chỉ nói vài lời nhưng những lời ấy khắc sâu vào tâm Sư, và là động lực mạnh mẽ làm thay đổi đời Sư, thúc đẩy Sư tu tập tích cực hơn với sức hỗ trợ nhiệt thành của Sư bạn Rastrapal. Lần gặp lại ở Mỹ năm 1984, Bà cũng giải thích rõ ràng về các kinh nghiệm của Sư và chỉ dạy Sư thêm nhiều điều rất vi diệu.
Năm 1980, Sư mới có nhân duyên đến thực hành thiền sáu tháng liên tục tại trung tâm Mahāsi. Ngày đầu khi mới đến trung tâm gặp Ngài Mahāsi, Ngài có nói với Sư là ở trung tâm mọi người mỗi ngày thực tập 20 giờ và ngủ có 4 giờ. Sau khi nghe Sư trả lời là Sư sẽ cố gắng thực tập, Ngài nhờ Ngài Phụ Tá Thiền Sư giúp sắp xếp chỗ ở, cho Sư nghe băng giảng hướng dẫn phương pháp Thiền bằng tiếng Anh và hỗ trợ làm giấy tờ gia hạn visa để Sư có thể ở lại trung tâm thực tập. Vì đã thực tập nhiều năm với Ngài Munindra nên Sư không gặp khó khăn gì để hiểu băng giảng hướng dẫn. Sư không biết rằng “khoá thiền” ở trung tâm Ngài Mahāsi bắt đầu từ ngay vào ngày đầu tiên sau khi Ngài Thiền Sư chấp nhận một thiền sinh vào trung tâm. Vì vậy, Sư đã lên kế hoạch dành vài ngày đầu để viết thư cho người thân báo tin là Sư đã đến Trung tâm an toàn. Ngày hôm sau, khi được vị Phó Thiền sư kêu lên trình pháp thì Sư vô cùng lo sợ vì Sư đã có thiền gì đâu mà trình. Sư đã cố gắng tìm cách hoãn lại buổi trình pháp ngày hôm đó nhưng không thành công. Cuối cùng, trong lúc gặp Ngài Phó Thiền Sư, lần đầu Ngài hỏi Sư “Sư thực tập như thế nào?”, Sư im lặng. Lần thứ hai, Ngài hỏi tiếp “Sư đi thiền mấy lần, ngồi thiền được mấy lần?”, Sư tiếp tục im lặng. Đến lần thứ ba, Ngài hỏi “Nếu không thiền, Sư đến đây làm gì?!” Mặc dù đó chỉ là câu hỏi quan tâm, lúc đó Sư cảm thấy xấu hổ. Từ ngày hôm đó trở đi, ngày nào Sư cũng nỗ lực thiền tập 20 giờ mỗi ngày, phải nghe tiếng kẻng báo hiệu giờ ngủ thì Sư mới dám lên giường ngủ.
Sau một thời gian tu tập ở đây, trong một buổi chiều khoảng 6 giờ, trước giờ thiền sinh phải vào lại thiền đường để thực tập, Sư nhìn thấy các thiền sinh đứng xếp hàng rất chánh niệm, Sư bị thất niệm và có sự so sánh “Người khác có chánh niệm còn mình thì không.” Rồi Sư nghĩ không biết mình có căn cơ tu tập thiền hay không, trong lòng có ý định muốn bỏ về. Sư định lên hỏi Ngài Phó Thiền sư coi Sư có đủ căn cơ tu học Pháp này hay không, nhưng vì không có người thông dịch, nên Sư không hỏi Ngài được. Lúc đó vào buổi chiều tối, trong tâm trạng chán nản Sư định đi trở về phòng của mình. Nhưng khi đi ngang qua thiền đường, nhìn vào bên trong thấy các thiền sinh đang ngồi thiền nghiêm chỉnh, bỗng nhiên có một sức mạnh thật lạ kỳ thôi thúc Sư đi vào ngồi trong thiền đường thay vì đi về phòng. Ngồi trong thiền đường, mặc dù tâm chán nản, Sư tự hứa sẽ thực hành dù có phải chết bên trong đó. Sau khi nguyện Ân Đức Tam Bảo với niềm tin luật nghiệp báo nhân quả thì Sư có sự chánh niệm tỉnh thức trở lại, tự động bắt được sự phồng xẹp một cách dễ dàng. Từ đó, Sư theo dõi phồng xẹp thật là suôn sẻ. Ngày hôm sau, Ngài Phó Thiền Sư có gọi Sư lên để xem Sư muốn hỏi Ngài điều gì ngày hôm trước thì bỗng nhiên Sư thấy những câu hỏi trong đầu của Sư trong ngày hôm trước đã không còn nữa, Sư không còn điều gì để hỏi. Kể từ sau đó, Sư cũng có cơ hội được Ngài Thiền Sư cho phép Sư ngồi kế bên Ngài trong lúc các thiền sinh khác trình pháp với Ngài.
Đây là những nhân duyên Sư được học với Ngài Mahāsi về phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ qua quán chiếu sự phồng xẹp.
***
Ngài Mahāsi đã dày công trước tác nhiều tác phẩm giá trị, đặc biệt là cuốn “Cẩm nang Pháp hành Minh Sát” (Manual of Insight) được hoàn thành vào năm 1945 trong bối cảnh khắc nghiệt của Thế Chiến Hai. Công trình thiền học đồ sộ này giải thích chi tiết con đường tu tập từ những thực hành đơn giản ban đầu cho đến chứng ngộ Niết-bàn, hoàn tất lời dạy của Đức Phật. Cuốn sách thể hiện tài năng lỗi lạc của ngài Mahāsi cả về pháp học lẫn pháp hành khi từng luận điểm về cách thức và kỹ thuật tu tập đều được chỉ dẫn cụ thể và minh chứng bằng những trích dẫn từ Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta), Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Phân Tích Đạo (Paṭisambhidāmagga) và các kinh điển, chú giải, sớ giải Pāḷi khác.
Mặc dù pháp hành thiền của Ngài Mahāsi nhấn mạnh vào thân quán niệm xứ, nhưng các niệm xứ khác cũng được sử dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể. Sự tu tập chánh niệm ở đây được trình bày bao quát cả Tứ Niệm Xứ theo dàn ý mà Đức Phật đã chỉ dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ. Là một hành giả và cũng là một thiền sư tu tập và giảng dạy theo pháp hành thân quán niệm xứ trong suốt hơn bốn mươi năm, sư thấy rằng cuốn sách không chỉ thích hợp cho những hành giả tu tập theo truyền thống Mahāsi, mà còn là nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy và vô cùng giá trị cho mọi hành giả tu Minh Sát Tuệ. Ai ai cũng đã từng kinh nghiệm rằng thú vui ở đời chỉ mở đường cho đau khổ và hội ngộ sẽ nảy mầm chia ly. Chỉ có Niết-bàn mới dập tắt được sự khổ và sự hội ngộ ấy mới được an vui mãi mãi. Nhưng chỉ vì mê lầm, chúng sanh cầu sự an vui bằng những thú vui giả tạm trên cuộc đời. Nhưng thật ra, con đường an vui là con đường đi đến Niết-bàn. Và ta chỉ thấy được con đường đi đến Niết-bàn nếu ta có Minh Sát Tuệ (Vipassanāñāṇa). Nếu không có Minh Sát Tuệ thì không bao giờ thấy con đường an vui.
Năm 2000, Steve Armstrong đã thỉnh mời nhiều thiền sư người Phương Tây và Miến Điện để khởi động dự án chuyển ngữ tác phẩm vĩ đại này từ tiếng Miến sang tiếng Anh. Dự án đã nhận được sự cố vấn tận tình của Sayadaw U Paṇḍita, và được Vipassanā Mettā Foundation tài trợ. Đến năm 2016, bản tiếng Anh của cuốn sách đã được Nhà xuất bản Wisdom Publications ấn hành và ra mắt độc giả. Nay Sư rất vui được hướng dẫn nhóm chư Tăng và Phật tử thuần thành chuyển ngữ cuốn sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Sư hoan hỷ giới thiệu cuốn sách “Cẩm Nang Pháp Hành Minh Sát” đến toàn thể Tăng Ni thiện tín, với ước mong cuốn sách này tạo duyên lành cho Phật tử được hiểu biết thêm về Pháp Hành Minh Sát. Đây chính là phương pháp để tu tập viên mãn phẩm hạnh và trí tuệ, vượt qua biển sinh tử luân hồi, cập bến Niết-bàn.
Nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo hộ trì cho chư vị Tăng Ni và quý Phật tử hành giả được sự an vui, tinh tấn tu hành mau đến nơi giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thích Ca Thiền Viện, Riverside, California, Hoa Kỳ
Ngày 19 tháng 9 năm 2023
Tỳ khưu Khippapañño Kim Triệu