Khi suy ngẫm về sự nguy hại của những khoái lạc giác quan và những lợi ích của sự xuất ly, chúng ta thường cảm thấy không mấy thoải mái ngay cả khi chỉ nghe tới từ xuất ly. Nó có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo trong chúng ta, có lẽ vì chúng ta liên tưởng nó với sự kìm nén ham muốn, với sự thiếu thốn, với lối sống khá ảm đạm và khắc khổ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tâm của chúng ta không phấn chấn khi nghĩ về nó.
Nhưng trải nghiệm về sự không mê đắm sẽ được xem là sự hiểu biết chính xác và mang tính giải thoát hơn về sự xuất ly. Tất cả chúng ta đều biết đau khổ gắn liền với những cơn nghiện ngập hay những sự mê đắm không có điểm dừng, bất kể chúng có thể là gì. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể nghiện thức ăn, ma túy, tình dục, rượu hoặc có thể những thứ ít được nhận ra hơn, như ham muốn công việc, quyền lực, sự công nhận, tài sản hoặc thậm chí là sự an nhàn. Chúng ta có thể trở nên ham thích và bị mê hoặc bởi một số trạng thái tâm và cảm xúc nào đó, như sự phấn khích, căng thẳng hoặc sợ hãi — bằng chứng là có rất đông khán giả xem những bộ phim kinh dị đáng sợ.
Chúng ta trở nên bị mê đắm, nghiện ngập không chỉ với sự thỏa mãn những ham muốn của mình, mà còn với bản thân thói quen ham muốn trong tâm. Có một hiện tượng mà tôi gọi là “tâm catalog.” Bạn có bao giờ bắt gặp mình đang mở một cuốn catalog được gửi đến hòm thư của mình và đang lật giở từng trang, chỉ chờ đợi điều gì đó hấp dẫn để khởi tâm ham muốn. Thật hiếm khi chúng ta có thể đặt cuốn catalog này xuống giữa chừng. Chúng ta thích ham muốn và chúng ta yêu thích cảm giác háo hức chờ đợi được thỏa mãn một ham muốn.
Những hành giả cũng có thể trở nên mê đắm các trạng thái thiền khác nhau, như vui mừng (hỷ) hoặc an tĩnh. Trong thực hành, chúng ta có thường xuyên cố gắng tạo lại một kinh nghiệm nào đó mà mình đã từng có trước đây không? Chúng ta có thể mê đắm việc thẩm sát; chúng ta có thể trở nên quá say mê với mọi thứ mình đang khám phá. Vào một thời điểm trong quá trình tu tập của tôi ở Miến Điện, khi tôi đã tu tập ở đó được vài tháng, chánh niệm đã trở nên rất bén nhạy, và tôi thấy được những chi tiết cực kỳ vi tế về những gì đang sinh khởi. Khi trình lại những kinh nghiệm này với Sayadaw U Paṇḍita, tôi nghĩ rằng việc tu tập của mình đang diễn ra rất suôn sẻ, nhưng tất cả những gì ngài nói với tôi là: “Con đang dính mắc quá mức vào sự vi tế.”
Đó quả là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đến mức độ mà toàn bộ sự thực hành là về sự xuất ly, về sự buông bỏ; mọi thứ trong quá trình tu tập của chúng ta đều nhằm phục vụ cho sự xuất ly. Nó được diễn tả cô đọng trong một câu kinh nổi tiếng thuộc Kinh Kim Cương (Diamond Sutra): “Hãy phát triển tâm bám chấp vào không gì cả.” (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.) Hoặc, thay vì “bám chấp vào không gì cả,” chúng ta nên nói “không bám chấp vào bất cứ thứ gì.”
Điều cực kỳ lý thú về những cơn mê đắm của chúng ta đó là dẫu rằng chúng thô hay tế thì trong khoảnh khắc thỏa mãn, chúng thực sự mang lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu. Nhưng sau đó, chúng ta liền bám giữ khư khư lấy chúng, cảm thấy thiếu hụt khi chúng thay đổi, biến hoại và vươn lấy chúng hết lần này đến lần khác, hoặc chúng ta tìm kiếm một nguồn thỏa mãn tạm thời khác, rồi hết cái này đến cái khác, cho đến khi chúng ta hoàn toàn chìm đắm trong những trạng thái ham muốn và dính mắc của tâm.
Chúng ta trở nên hoàn toàn kẹt chặt vào chiếc bẫy đầy ma lực của những ham muốn trong chính mình, mà thậm chí thường không hề mảy may nghi ngờ rằng mình đang bị mắc bẫy. Chúng ta có thể xem xét kỹ lại tất cả các hành động theo thói quen của mình trong suốt cả ngày. Mặc dù có lẽ chúng ta không coi chúng là những sự nghiện ngập, mê đắm, nhưng thử hình dung xem bạn sẽ cảm thấy thư thái như thế nào nếu từ bỏ được một thói quen mạnh mẽ?
Theo thiền sư Joseph Goldstein trong cuốn sách “Chánh Niệm: Hướng dẫn thực hành đến giác ngộ”