(Trích Đức Phật và Phật Pháp, tác giả: Narada Thera, dịch giả: Phạm Kim Khánh)
Danh từ Pāli “Nibbāna” – Níp-bàn / Niết Bàn (Bắc Phạn: Nirvāna) gồm hai phần: “Ni” và “Vāna”. “Ni” là hình thức phủ định, không; “ Vāna” là dệt, hay Ái. Ái này xem như sợi dây nối kiếp sống này với kiếp sống khác.
“Gọi là Níp-bàn (Niết Bàn) vì Níp-bàn (Niết Bàn) là sự dứt bỏ, sự tách rời “Ni” ra khỏi Ái “Vāna”, sự thèm khát nhục dục”.
Ngày nào còn bị Ái hay Luyến Ái trói buộc thì còn tạo thêm Nghiệp mới, và các Nghiệp mới này phải trổ Quả dưới một hình thức nào, trong vòng sanh-tử, tử-sanh vô cùng tận. Đến khi mọi hình thức Ái Dục chấm dứt, năng lực của Nghiệp tái tạo cũng dứt, tức nhiên không còn tạo Nghiệp nữa, và ta thành đạt Níp-bàn (Niết Bàn), thoát ra khỏi vòng sanh tử triền miên.
Quan niệm Giải Thoát trong Phật Giáo chính là trạng thái vượt qua khỏi vòng sanh tử triền miên vô tận, chứ không phải chỉ là sự trốn thoát ra khỏi tội lỗi và địa ngục.
Cũng có nơi giải thích Níp-bàn (Niết Bàn) là sự dập tắt lửa Tham (Lobha), Sân (Dosa), và Si (Moha).
Đức Phật dạy:
“Toàn thể thế gian nằm trong những ngọn lửa. Lửa gì đã nhúm lên những ngọn lửa ấy? Chính lửa Tham, lửa Sân, lửa Si; chính lửa Sanh, lửa Già, lửa Chết, lửa Phiền Não, lửa ta thán, lửa đau đớn, lửa khổ sở, lửa thất vọng, đã nhúm lên những ngọn lửa ấy”.
Nhận định theo một lối, Níp-bàn (Niết Bàn) là sự dập tắt các ngọn lửa ấy. Nhưng không phải vì thế mà có thể nói rằng Níp-bàn (Niết Bàn) chỉ là sự dập tắt các ngọn lửa. Nên phân biệt phương tiện và mục tiêu. Ở đây, dập tắt các ngọn lửa Tham, Sân và Si, chỉ là phương tiện để đi đến Níp-bàn (Niết Bàn).