Giới thiệu sách “Tìm hiểu về Niết bàn,” tác giả: Mahasi Sayadaw, dịch giả: tỳ khưu Pháp Thông
Lưu ý
Để bắt đầu xin lưu ý rằng cuốn sách này nói về Niết bàn, mục tiêu tối thượng của Đạo Phật nên cả nội dung và yêu cầu tu tập đều ở mức độ khó. Nó không còn ở mức độ giải tỏa tâm lý, hay đáp ứng các nhu cầu thế tục khác như ở giai đoạn tu tập ban đầu, mà hướng tới mục tiêu chứng ngộ Niết bàn, hoàn tất lời dạy của Đức Phật. Khi tu tập ở mức độ này, chúng ta sẽ thực sự là một hành giả (yogi), hoặc một bhikkhu (tỳ khưu) không phải theo nghĩa một vị tu sĩ, mà theo nghĩa một người biết ghê sợ sinh tử luân hồi và tu tập để hướng tới giải thoát.
Ở trong cuốn sách này, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều các giáo lý khác nhau của Đạo Phật, tất cả đều được diễn giải vắn tắt và chủ yếu nhấn mạnh vào những phần khó nhất liên quan đến Niết bàn, hoặc sự giác ngộ, giải thoát. Để tham khảo những diễn giải chi tiết của các giáo lý này, các bạn có thể tham khảo các cuốn sách viết riêng về đề tài này, và mình sẽ giới thiệu một số cuốn sách liên quan đến từng chủ đề cụ thể trong sách.
Để tiện theo dõi mình tự đặt tiêu đề cho các chương trong sách
Lạc thọ tương đương với khổ thọ
Khởi đầu thiền sư Mahasi Sayadaw nhắc lại về phần cuối của bài Kinh Tiểu Phương Quảng (Trung Bộ Kinh số 44), cũng là nhân duyên để ngài khởi tâm giảng chuỗi bài giảng tiếp theo về Niết bàn được biên tập lại thành cuốn sách này. Trong đó, có một ý đáng quan tâm: “Lạc thọ tương đương với khổ thọ.” Ở giai đoạn tu tập ban đầu, chúng ta có thể vẫn còn mong muốn thoát khỏi những đau khổ, bất hạnh mà mình gặp phải trong cuộc đời, đồng thời có được cuộc sống bình an, hạnh phúc hơn. Mỗi khi có một thời thiền nhiều hỷ lạc, chúng ta có thể thấy hân hoan, nghĩ mình vừa có một thời thiền tốt đẹp, thực hành thành công … Tuy nhiên ở giai đoạn tu tập cao hơn, chúng ta cần thoát ra khỏi sự dính mắc vào hỷ lạc và các trạng thái thiền tốt đẹp, điều mà Thanh Tịnh Đạo gọi là các tùy phiền não của thiền Minh sát. Chúng ta cần kinh nghiệm được lạc thọ cũng vô thường và do đó cũng là bất toại nguyện giống như khổ thọ.
Niết bàn là sự chấm dứt của vòng sinh tử luân hồi (saṃsāra)
Niết bàn (Nibbāna) là sự chấm dứt hay hủy diệt của vòng sinh tử luân hồi (saṃsāra). Saṃsāra bao gồm ba vòng luân hồi nhỏ có liên kết với nhau là phiền não luân (kilesa vaṭṭa), nghiệp luân (kamma vaṭṭa) và quả luân (vipāka vaṭṭa). Phiền não luân bao gồm: vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna). Nghiệp luân bao gồm cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp góp phần cho sự xuất hiện của vòng tử sanh luân hồi bất tận. Quả luân bao gồm những hậu quả của nghiệp, hoặc thiện, hoặc bất thiện. Mỗi nghiệp đều tạo ra một quả bao gồm danh sắc, sáu xúc xứ, thọ, … Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ chỉ là những sự thể hiện của quả nghiệp.
Để tham khảo về 03 vòng luân hồi này, và hiểu vì sao Bát Chánh Đạo, thực hành thiền Vipassana có thể dẫn tới sự giải thoát khỏi vòng luân hồi, chứng ngộ Niết bàn, các đạo hữu có thể tham khảo cuốn sách “Trạng thái tâm giải thoát” của ngài Sayadaw U Pandita, một trong các đại đệ tử của thiền sư Mahasi Sayadaw. Cuốn sách bao gồm các bài giảng của ngài U Pandita trong khóa thiền tại Mỹ. Do các thiền sinh Mỹ không có nhiều kiến thức căn bản về Phật Giáo như các thiền sinh người Miến, nên trong khóa giảng này, ngài đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiểu biết căn bản về Giáo Pháp, về vòng luân hồi và lý giải tại sao việc hành thiền Vipassana lại dẫn đến giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử. Cuốn sách này rất phù hợp cho những người mới tìm hiểu về thiền Vipassana. Các đạo hữu có thể thỉnh cuốn sách này tại đây: https://phuongquang.net/san-pham/trang-thai-tam-giai-thoat/
Để tham khảo về Tứ Diệu Đế, giải thích chi tiết vì sao sinh tử luân hồi là đau khổ, cần phải chứng ngộ Niết bàn và tu tập Bát Chánh Đạo như thế nào, các đạo hữu có thể tham khảo cuốn “Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân” của ngài Mahasi Sayadaw, dịch giả: tỳ khưu Pháp Thông.
Trong cuốn sách Tìm hiểu về Niết bàn, thiền sư Mahasi Sayadaw giải thích vắn tắt về cách phiền não xây dựng nên đế chế của nó, khiến cho vòng luân hồi cứ xoay vần không dứt theo lý thuyết Thập nhị nhân duyên. Do vô minh (avijjā) nên một người không nhận ra bản chất thực sự của hiện hữu bằng tuệ minh sát, và người ấy tin rằng các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh từ đó phát sinh ra tham ái (taṇhā) và khi ái này tăng cường độ nó trở thành thủ (upādāna). Khi thủ phát triển, người ấy liền ra sức nỗ lực để thỏa mãn lòng ham muốn với các đối tượng giác quan ấy. Khi ấy các hành (saṅkhāra) sẽ bắt đầu hoạt động (Vô minh duyên hành). Như kết quả của các hành này, khi cái chết xảy ra, nó sẽ được theo sau bởi sự tái sinh, vì tâm tục sinh sẽ khởi lên ngay sau tâm tử (hành duyên thức). Từ đó, tạo ra danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, … liên tục không ngừng.
Để tham khảo về giáo lý Thập nhị nhân duyên, các đạo hữu có thể tham khảo sách “Pháp Duyên khởi” của ngài Mahasi Sayadaw, dịch giả: tỳ khưu Minh Huệ.
TB: Chương 1 vẫn còn dài và buổi sau mình sẽ giới thiệu tiếp chương này.
Chúc các đạo hữu sớm chứng ngộ Niết bàn ngay trong kiếp sống này.
Hà Nội, ngày 12/8/2024
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh