(trích phần giới thiệu về dòng thiền Mahasi trong cuốn sách Cây Giác Ngộ, Dòng Sông Không Trở Lại (The Tree of Wisdom, The River of No Return) của thiền sư Bhante Sujiva, nhóm Phương Quảng dịch.)
Vì phần lớn của thực hành được mô tả trong cuốn sách này vẫn tuân theo phương pháp Satipatthana của người Miến Điện, được giảng dạy bởi Mahasi Sayadaw đáng kính nhất của Miến Điện, nên thật công bằng khi tôi có đôi lời giới thiệu về nó.
Thuật ngữ Thiền Vipassana ám chỉ tới bất kỳ thực hành thiền nào làm sinh khởi tuệ giác về bản chất thực sự của các sự vật và hiện tượng (vạn pháp). Tôi tin rằng điều này diễn ra trong những hệ thống thiền ngoài truyền thống Mahasi, cũng như bên ngoài truyền thống Theravada (Phật giáo Nguyên thủy) hay truyền thống Đạo Phật. Có quá nhiều truyền thống và tôi sẽ không cố gắng phân tích và đánh giá chúng, vì điều đó không nằm trong phạm vi của cuốn sách này.
Những ai đã tu tập phương pháp Satipatthana sẽ thấy rõ nó là con đường thuần quán không dựa vào an chỉ định làm nền tảng cho việc phát triển tuệ giác. Chánh niệm liên tục được phát triển trong các khóa tu tích cực dễ dàng tạo ra đủ định lực và kết quả là đủ thanh tịnh và rõ ràng để trí tuệ sinh khởi. Phương pháp này đã được giới thiệu và phổ biến bởi ngài Mahasi Sayadaw, người đã thực hành dưới sự hướng dẫn của ngài U Narada (Jetavana hay Mingun Sayadaw). Tới nay, có những đặc thù nhất định khiến phương pháp này nổi bật hơn những phương pháp Vipassana khác:
1. Nó sử dụng thân niệm xứ (niệm thân) ở mức độ rộng rãi trong sự thực hành, nhưng các niệm xứ khác cũng được sử dụng
2. Đối tượng chính được sử dụng là sự “phồng – xẹp” của bụng.
3. Chánh niệm ghi nhận mỗi tiến trình được quan sát khi nó diễn ra và sau đó tăng lên đến mức độ mà các đối tượng sinh lên và diệt đi quá nhanh để có thể nhận biết.
4. Thiền hành được luân phiên với thiền tọa (ngồi thiền), thông thường là kéo dài một tiếng đồng hồ mỗi lượt.
5. Các khóa thiền tích cực được khuyến khích và mỗi ngày bắt đầu từ trước khi mặt trời mọc (vào thời gian tôi ở đó, là lúc ba giờ sáng, mặc dù nhiều trung tâm bắt đầu muộn hơn), và kết thúc lúc mười một giờ tối (hoặc sớm hơn ở các trung tâm khác). Trong suốt thời gian của khóa tu, có những lần trình pháp thường xuyên để báo cáo về sự thực hành hàng ngày hoặc vài lần mỗi tuần.
Phương pháp này rất phổ biến ở Miến Điện và đã lan rộng ra các nước theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy khác sau Hội đồng kết tập kinh điển lần thứ sáu vào những năm 1950. Bây giờ nó cũng đã lan rộng ra toàn thế giới đến các quốc gia phương Tây.
Sau nhiều năm thực hành, tôi nhận thấy nó là một phương pháp được cân nhắc kỹ càng trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là cho những người mới thực hành Thiền Tuệ. Nó thiết lập một nền tảng chánh niệm mạnh mẽ, điều mà tự nó có thể dẫn tới sự giác ngộ cao hơn. Cùng lúc, đối với các hành giả có khả năng, thì nó cũng cung cấp những con đường thực hành chuyên biệt hơn như Niệm Tâm và Thiền Định (Samatha). Nếu không có nền tảng mạnh về các đối tượng của thân vốn thô thiển hơn (do đó rõ ràng và dễ quan sát hơn), thì sự mở rộng sang các niệm xứ khác (thọ, tâm, pháp) để phát triển có thể sẽ gặp khó khăn.