Với mục tiêu trình bày một cách hệ thống, trọn vẹn và chi tiết Giáo Pháp của Đức Phật thông qua việc diễn giải cụ thể từng câu, từng chữ bài kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta), trước khi đi vào phân tích từng đề mục thiền trong bài Kinh, thiền sư Joseph Goldstein đã dành ra sáu chương đầu để nói về bốn phẩm chất của tâm cần thiết cho sự tu tập chánh niệm cũng như tìm hiểu đoạn điệp khúc được lặp lại tới 13 lần trong bài Kinh. Trong phạm vi của bài review kỳ này, mình sẽ giới thiệu về phẩm chất đầu tiên trong bốn phẩm chất tâm này, đó là tinh tấn.
Tinh tấn đương nhiên là điều kiện cần cho sự thành tựu tâm linh, cũng như mọi thành tựu khác trong cuộc sống. Đức Phật đã từng dạy:
“Bằng tinh tấn uể oải,
Bằng tinh tấn yếu ớt,
Không thể chứng Niết bàn,
Đoạn tận mọi khổ đau.”
Vì Niết bàn, mục đích cao quý và thánh thiện của con đường tâm linh, không phải là điều dễ dàng đạt được, nên chúng ta không thể áp dụng một sự tinh tấn nửa vời, hay cố gắng làm cho có mà cần có một sự tinh tấn quân bình, bền bỉ và lâu dài với lòng nhiệt thành, sự đam mê và quyết tâm mạnh mẽ hay sự tận tâm tận lực. Minh họa cho ý này, thiền sư đã sử dụng thuật ngữ “tâm trường viễn” mà đại sư Hư Vân vẫn thường dùng để khích lệ đệ tử của mình.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể khơi dậy sự tinh tấn và duy trì nó cho đến khi chứng đắc đạo, quả và Niết bàn? Bí quyết chính là sự hứng khởi hay sự khẩn cấp tâm linh mà thuật ngữ Đạo Phật gọi là saṃvega. Đó chính là trạng thái tâm của thái tử Siddhartha (Đức Phật lúc chưa xuất gia) khi nhìn thấy người già, người bệnh, người chết trong ba lần đầu tiên đi dạo bên ngoài cung điện. Đối với chúng ta, saṃvega có thể sinh khởi nhờ những suy ngẫm đúng theo Giáo Pháp. Ở đây, thiền sư giới thiệu ba cách suy ngẫm: suy ngẫm về sự cao quý của Giáo Pháp, suy ngẫm về vô thường và suy ngẫm về nghiệp. Khi chúng ta hiểu được sự quý báu và hiếm hoi của cơ hội gặp gỡ và được tu tập theo Giáo Pháp, chúng ta sẽ hết lòng trân trọng và tận dụng mọi cơ hội tu tập, dù là việc giữ chánh niệm trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, duy trì đều đặn thời khóa thiền mỗi ngày, cho đến việc tham dự các khóa thiền tích cực hàng năm … Hiểu rõ về vô thường, chúng ta sẽ dành hết thời gian và nguồn lực mà mình có thể huy động được để theo đuổi sự giác ngộ tâm linh. Hiểu rõ về nghiệp, chúng ta sẽ ý thức được chỉ có nghiệp là tài sản duy nhất còn theo mình đến những kiếp sau; từ đó chúng ta sẽ biết cân nhắc trong mỗi hành động của mình, để kiềm chế những cơn bốc đồng và không hành xử theo sự chi phối của phiền não.
“Khi không thấu hiểu sâu sắc chân lý vô thường, chúng ta sẽ dốc cạn tâm sức mình, cuộc sống và thậm chí cả việc thực hành thiền của bản thân vào việc tìm kiếm và mong muốn kiểm soát những người khác, sở hữu tài sản và có được những kinh nghiệm tuyệt vời. Chúng ta bị cuốn sâu vào tất cả hình thức này của saṃsāra hay vòng luân hồi sinh tử và củng cố ý niệm về bản ngã của mình trong tiến trình này. Chẳng hề có chút an bình nào cả.”
Bạn sẽ tìm thấy trong chương này rất nhiều trích dẫn đầy cảm hứng từ nhiều vị thầy thuộc nhiều truyền thống khác nhau như Thiền Tông Trung Hoa và Phật Giáo Tây Tạng, để từ đó có thể suy ngẫm theo Giáo Pháp và sinh khởi niềm cảm hứng tâm linh. Đặc biệt, thiền sư có trích dẫn nguyên vẹn một bài thơ về vô thường rất xúc động và đầy hình tượng của Shabkar, một du sĩ Tây Tạng nổi tiếng. Xin ghi lại ở đây một đoạn trích nhỏ từ bài thơ này thay lời kết.
“… Phải nói thật rằng anh chưa nhận thức
Lẽ vô thường của muôn kiếp nhân sinh
Khi cái chết chỉ là chuyện thường tình
Có thể tới bất ngờ không mong đợi.
Còn chân lý về tánh không cao vơi
Càng khó khăn để thấu hiểu tận tường.”
Chúc các đạo hữu có thể sinh khởi, duy trì tinh tấn bền bỉ cho đến khi giác ngộ giải thoát.
Hà Nội, ngày 30/4/204 Pháp Minh Trịnh Đức Vinh
TB: Các đạo hữu có thể thỉnh cuốn sách và theo dõi các bài review khác trên web: https://phuongquang.net/san-pham/chanh-niem-huong-dan-thuc-hanh-den-giac-ngo/