Tiểu sử đại trưởng lão thiền sư Mahāsi Sayādaw
Thiền sư U Sobhana Mahāthera, thường được biết đến với tên gọi Mahāsi Sayādaw, sinh ngày 29 tháng 7 năm 1904 trong một gia đình nông dân. Phụ thân của ngài là U Kan Taw, phụ mẫu là Daw Ok. Ngài sinh ra tại làng Seikkhun, cách thị trấn Shwebo ở Thượng Myanmar khoảng 7 dặm về phía tây. Shwebo từng là thủ đô của người sáng lập triều đại Myanmar cuối cùng. Thế danh của Sayādaw là Mg Thwin.
Năm sáu tuổi, ngài bắt đầu học tại một tu viện trong làng, và năm mười hai tuổi, ngài được thọ giới sa-di(sāmaṇera) và có pháp danh là Sobhana (Tịnh Hảo). Khi bước vào tuổi hai mươi, ngài được thọ giới tỳ khưu (bhikkhu) vào ngày 26 tháng 11 năm 1923. Ngài đã vượt qua kỳ thi ngôn ngữ Pāḷi do Chính phủ tổ chức ở cả ba cấp độ (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) trong ba năm liên tiếp sau đó.
Vào năm thứ tư sau khi thọ giới tỳ khưu, ngài tiếp tục đến thành phố Mandalay, nơi nổi danh về nghiên cứu Phật Giáo. Tại đây, ngài tiếp tục tu học thêm dưới sự chỉ dẫn của nhiều tu sĩ lỗi lạc trong giới học thuật. Vào năm thứ năm, ngài đến Mawlamyaing, nơi ngài đảm nhận công việc giảng dạy kinh điển Phật Giáo tại một tu viện có tên là “Taung-waing-galay Taik-kyaung.”
Vào năm thứ tám sau khi thọ giới tỳ khưu, ngài và một vị sư khác đã rời Mawlamyaing chỉ với những vật dụng thiết yếu của một vị tỳ khưu (tam y nhất bát v.v.) để đi tìm một phương pháp thực hành thiền rõ ràng và hiệu quả. Tại Thaton, ngài đã đến yết kiến vị thiền sư nổi tiếng là Sayādaw U Nārada, người còn được biết đến là “Mingun Jetavan Sayādaw đệ nhất.” Sau đó, ngài thành kính tuân theo sự hướng dẫn của Sayādaw và ngay lập tức tham dự một khóa thiền tích cực.
Sự tu tập của ngài tiến bộ cực kỳ mau chóng đến mức ngài có thể truyền thụ phương pháp này một cách hiệu quả cho ba người đệ tử đầu tiên của mình ở Seikkhun trong chuyến thăm quê nhà vào năm 1938. Ba vị đệ tử cư sĩ này cũng đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc. Được truyền cảm hứng từ tấm gương tu tập thành tựu của ba thiền sinh đầu tiên này, người dân trong làng tìm đến tham dự các khóa thiền tích cực với số lượng dần dần lên đến năm mươi người.
Thiền sư Mahāsi Sayādaw không thể tiếp tục ở lại tu học lâu dài với Mingun Sayādaw bởi vì ngài được đề nghị mau chóng trở lại tu viện Mawlamyaing. Vị sư trụ trì già yếu của tu viện lâm trọng bệnh và viên tịch không lâu sau đó. Khi ấy, thiền sư Mahāsi Sayādaw được đề nghị phụ trách quản lý tu viện và tiếp tục giảng dạy cho các nhà sư tại đây. Trong thời gian này, ngài đã tham dự và thi đỗ kỳ thi Pháp Sư (Dhammacariya) trong lần đầu tiên kỳ thi này được tổ chức vào năm 1941 và vì vậy được trao danh hiệu “Sasanadhaja Siripavara Dhammacariya.”
Vào thời điểm Nhật Bản xâm lược Myanmar, chính quyền đã ra lệnh sơ tán những người sống gần tu viện Taung-waing-galay ở Mawlamyaing và khu vực lân cận. Những nơi này ở gần một sân bay và do đó dễ phải hứng chịu các cuộc không kích. Nhưng đối với Mahāsi Sayādaw thì đây lại là một cơ hội quý báu để trở về quê hương Seikkhun và cống hiến hết mình cho việc hành thiền Minh sát của bản thân và giảng dạy phương pháp này cho những người khác.
Ngài đã cư ngụ tại một tu viện có tên là Mahāsi-kyaung. Sở dĩ nó được gọi như vậy là bởi vì có một chiếc trống (Myanmar-si) kích thước đặc biệt lớn (maha) được đặt ở đấy. Pháp danh thông dụng Mahāsi Sayādaw của ngài cũng bắt nguồn từ tu viện có chiếc trống đó.
Cũng chính trong giai đoạn này, vào năm 1945, Mahāsi Sayādaw đã viết tác phẩm vĩ đại của mình là Cẩm nang Pháp hành Minh Sát,một chuyên luận toàn diện và có căn cứ đích xác trong việc giải thích các khía cạnh giáo lý và thực hành của pháp thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna). Ngài đã viết tác phẩm này chỉ trong vòng bảy tháng liên tục, khi mà thị trấn Shwebo gần đó đang phải hứng chịu các cuộc không kích gần như mỗi ngày. Năm 2016, tác phẩm đồ sộ này đã được Vipassanā Metta Foundation Translation Committee chuyển ngữ từ tiếng Miến sang tiếng Anh và được Wisdom Publications xuất bản dưới nhan đề là “Manual of Insight.”
Chẳng bao lâu sau, danh tiếng của Mahāsi Sayādaw là một vị thiền sư giỏi về pháp hành Minh sát (Vipassanā) đã lan rộng khắp vùng Shwebo-Sagaing và thu hút sự chú ý của một vị cư sĩ nổi tiếng và thuần thành là ngài U Thwin, người được xem là một chính khách lão thành của Myanmar khi ấy. Khát vọng của ông là phát huy nội lực của Phật Giáo Myanmar bằng việc thành lập một trung tâm thiền được hướng dẫn bởi một thiền sư vẹn toàn cả về giới hạnh và kinh nghiệm tu tập. Sau khi yết kiến Mahāsi Sayādaw và lắng nghe ngài thuyết Pháp rồi nghe ngài hướng dẫn thiền cho các tu nữ ở Sagaing, thì ông U Thwin chắc chắn rằng ông đã tìm thấy vị thiền sư lý tưởng mà mình hằng mong đợi.
Vào năm 1947, Tổ chức Chấn Hưng Phật Giáo (Buddha Sāsanā Nuggaha) được thành lập tại Yangon với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu Pháp Học (pariyatti) và thực hành Giáo Pháp (paṭipatti) của Đức Phật, và ông U Thwin đảm nhiệm cương vị là Chủ tịch đầu tiên. Năm 1948, ông U Thwin đã cúng dường cho Tổ chức 5 ha đất tại thị trấn Bahan, Yangon để xây dựng một trung tâm thiền. Chính tại khuôn viên này mà trung tâm thiền (Thathana hay Sāsanā) Yeikthā tức là Trung Tâm Thiền Phật Giáo đã được xây dựng nên. Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm đã trải rộng thành một quần thể rộng lớn trên diện tích 20 ha với rất nhiều các công trình kiến trúc mới.
Năm 1949, Thủ tướng Myanmar lúc đó là ngài U Nu cùng với ông U Thwin đã thỉnh mời thiền sư Mahāsi Sayādaw đến Yangon để dạy thiền. Vào ngày 4 tháng 12 năm 1949, ngài Mahāsi đã trực tiếp hướng dẫn cho nhóm 25 thiền sinh đầu tiên thực hành thiền Minh sát. Trong vòng một vài năm kể từ khi Sayādaw đến Yangon, các trung tâm thiền tương tự đã được lập nên khắp Myanmar, và cho đến nay đã có hơn 683 trung tâm trên cả nước. Ở các nước lân cận theo truyền thống Phật Giáo Theravada như Thái Lan và Sri Lanka, thì các trung tâm thiền như vậy cũng được thành lập và cũng giảng dạy và thực hành cùng phương pháp thiền ấy. Tính đến cuối tháng 12 năm 2016, tổng số thiền sinh được đào tạo tại toàn bộ các trung tâm này (cả ở Myanmar và nước ngoài) đã vượt qua con số 4,8 triệu người.
Tại Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ sáu (Chaṭṭha Saṅgāyanā) được tổ chức tại Yangon trong hai năm, mà trọng điểm là vào năm Phật lịch 2500 (1956), hòa thượng thiền sư Mahāsi Sayādaw nắm giữ một vai trò then chốt. Ngài không chỉ là một trong những Người biên tập cuối cùng của các tài liệu kinh điển, được tụng đọc và sau đó được phê duyệt trong các phiên họp của Đại hội; mà còn là Người chất vấn (Pucchaka), nghĩa là ngài phải đặt câu hỏi liên quan đến từng tài liệu kinh điển được tụng. Sau đó, các câu hỏi chất vấn đã được trả lời bởi một vị tỳ khưu uyên bác với năng lực ghi nhớ phi thường là Hòa thượng Vicittasārābhivaṃsa (tức Mingun Sayādaw). Để đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của những vai trò này, chúng ta có thể nhớ lại rằng tại Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ nhất được tổ chức vào thời điểm một trăm ngày sau khi Đức Phật nhập diệt, chính Tôn giả Mahākassapa (Đại Ca Diếp) đã đưa ra những câu hỏi dẫn nhập mà sau đó được Tôn giả Upāḷi và Tôn giả ānanda trả lời.
Sau khi việc trùng tụng lại Tam Tạng kinh điển hay Tipiṭaka đã được hoàn tất tại Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ sáu, Hội nghị quyết định tiếp tục trùng tụng các chú giải và sớ giải cổ xưa, sau khi chúng đã được hiệu đính và nghiên cứu kỹ lưỡng. Ở nhiệm vụ trọng đại này, Mahāsi Sayādaw cũng đóng một vai trò chủ chốt.
Dù đảm đương tất cả các nhiệm vụ nặng nề như vậy, ngài còn là một học giả uyên thâm và để lại nhiều tác phẩm đồ sộ. Ngài là tác giả của hơn 100 đầu sách và bản dịch, chủ yếu bằng tiếng Myanmar và một số ít bằng tiếng Pāḷi. Nổi bật trong những tác phẩm này là bản dịch tiếng Myanmar của ngài về Đại Sớ Giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga Mahāṭikā), được dịch từ ngôn ngữ Pāḷi, thậm chí còn đồ sộ hơn tác phẩm ban đầu và giải thích về nhiều điểm khó hiểu trong tác phẩm cả về ngôn ngữ và nội dung. Năm 1957, Mahāsi Sayādaw được phong tặng danh hiệu Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng ‘Aggamahāpaṇḍita.’
Tuy nhiên, tất cả những nhiệm vụ nặng nề này cũng không thể làm vơi cạn năng lực phi thường của Mahāsi Sayādaw trong sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp (Buddha-Dhamma). Ngài đã tiến hành công cuộc hoằng dương Phật Pháp ở nước ngoài qua những chuyến đi như sau:
Thái Lan, Campuchia và Việt Nam (1952); Ấn Độ và Sri Lanka (1953-1959); Nhật Bản (1957); Indonesia (1959); Mỹ, Hawaii, Anh, Châu Âu lục địa (1979); Anh, Sri Lanka, Singapore, Malaysia, Thái Lan (1980); Nepal, Ấn Độ (1981).
Hai chuyến đi đầu tiên của ngài là để chuẩn bị cho Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ sáu, nhưng cũng được tận dụng cho việc truyền bá và giảng dạy Giáo Pháp.
Mặc dù phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khó nhọc, nhưng ngài không bao giờ xao lãng đời sống thiền của chính mình, nhờ đó ngài luôn đưa ra chỉ dẫn sáng suốt cho các hành giả. Sức mạnh thân tâm phi thường và sự tận tâm tận lực cống hiến cho Giáo Pháp(Dhamma) đã giúp ngài luôn vững chãi trong suốt 78 năm cuộc đời.
Vào ngày 14 tháng 8 năm 1982, thiền sư Mahāsi Sayādaw đã viên tịch vì một cơn tai biến mạch máu não nghiêm trọng xảy ra đột ngột vào đêm hôm trước. Tuy nhiên, vào tối ngày 13 tháng 8, ngài còn đưa ra những chỉ dẫn nhập môn cho một nhóm thiền sinh mới.
Thiền sư Mahāsi Sayādaw là một trong những nhân vật cực kỳ hiếm hoi có sự phát triển cân bằng và ở đỉnh cao về cả sự uyên bác liên quan đến trí tuệ sắc bén, cùng kinh nghiệm thiền tập thâm sâu. Hơn nữa, ngài có thể truyền thụ vô cùng hiệu quả Pháp Học và Pháp Hành Phật Giáo.
Sự nghiệp hoằng Pháp lâu dài của ngài thông qua những cuốn sách và những bài pháp thoại đã mang lại lợi lạc cho biết bao người ở khắp phương Đông và phương Tây. Tầm vóc và sự nghiệp huy hoàng của ngài đã đưa ngài vào hàng ngũ những nhân vật lỗi lạc của Phật Giáo đương đại.
(Cập nhật tháng 3/2017)