TÁC GIẢ: Sharon Salzberg
Sharon Salzberg nói về sự thật của khổ đau, cốt lõi lời dạy của Đức Phật.
Một người bạn của tôi đã từng phải giải thích với đứa con trai bốn tuổi của cô ấy rằng người vú em chăm sóc cho cậu bé từ khi cậu sinh ra sẽ chuyển đi nơi khác sinh sống.
Vì con cô ấy rất gắn bó với người này, nên bạn tôi đã tâm sự cẩn thận với cậu bé từng bước một, chắc chắn phải nhấn mạnh rằng người vú em yêu thương cậu bé, rằng họ có thể viết thư nói chuyện qua điện thoại và đến thăm nhau, nhưng cô ấy sẽ dọn đi và đến sống với chị gái.
Cậu bé chú ý lắng nghe, sau đó nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có thể kể lại cho con nghe câu chuyện đó nhưng với một cái kết khác được không mẹ?”
Có những lúc trong đời chúng ta ước gì mình có thể thay đổi cái kết của câu chuyện. Đôi khi chúng ta đánh mất những gì chúng ta quan tâm, chúng ta xa cách với những người chúng ta yêu thương, cơ thể chúng ta suy yếu khi chúng ta già đi, chúng ta cảm thấy bất lực hoặc tổn thương, hoặc cuộc sống của chúng ta dường như đang trôi tuột đi.
Đây là tất cả các khía cạnh về dukkha (khổ), một trong những giáo lý chính của Đức Phật. Dukkha có nghĩa là đau khổ, bất toại nguyện/ không thỏa mãn, trống rỗng, thay đổi.
Người ta thường nói rằng Đức Phật chỉ dạy đơn giản về “đau khổ và chấm dứt đau khổ.” Đau khổ trong cách giảng dạy của Ngài không nhất thiết có nghĩa là nỗi đau nghiêm trọng về thể xác, mà là nỗi đau khổ về tinh thần mà chúng ta phải trải qua khi khuynh hướng bám giữ niềm vui gặp phải bản chất phù du của cuộc sống, và những trải nghiệm của chúng ta trở nên bất toại nguyện và không thể kiểm soát được.
Biết được sự thật này mang lại cho cuộc sống của chúng ta sự trọn vẹn và bình an, vì nó giải phóng chúng ta khỏi những thái độ mệt mỏi của sự giả vờ và phủ nhận.
Lần đầu tiên đến Ấn Độ và nghe lời Phật dạy về đau khổ, tôi cảm thấy như thể mình đang được trao một món quà quý giá. Cuối cùng, cũng có ai đó đã nói một cách cởi mở về bản chất mọi thứ thực sự như thế nào.
Đau khổ thực sự tồn tại. Trong khi có rất nhiều niềm vui trên thế gian này, thì cũng có rất nhiều nỗi khổ đau. Có những khoảng thời gian tuyệt vời khi ở bên nhau, và cũng có những chia tay và mất mát. Có sinh và cũng có diệt. Tôi cảm thấy như lần đầu tiên tôi được nghe sự thật, một sự thật mà không ai khác muốn nói đến.
Khi bất kỳ ai trong chúng ta cố gắng ngăn cản sự thật này, chúng ta sẽ tạo ra đau khổ. Trong xã hội của chúng ta, sự thật thường bị che giấu bởi vì chúng ta được dạy rằng đau khổ là điều đáng xấu hổ. Chúng ta có thể tự mình che giấu chúng vì chúng ta không muốn nhìn thấy nỗi khổ của chính mình hoặc tiết lộ nó cho những người khác.
Sự phủ nhận đau khổ này thường xảy ra trong cuộc sống gia đình. Đôi khi có nỗi đau khổ nghiêm trọng trong một gia đình — bất hòa, xung đột, bất an, bạo lực — và trong nỗ lực bảo vệ con cái khỏi sự thật, một sự im lặng đáng sợ bao trùm: sự im lặng của sự phủ nhận và né tránh.
Nếu nó từng được đề cập đến, thì nỗi đau khổ sẽ được gói ghém lại và ngụy tạo để trông giống như một thứ khác. Khi nói về những tình huống đau lòng với trẻ em, cần có kỹ năng và cách giao tiếp phù hợp, tuy nhiên thường là trường hợp trẻ đã nhận thức rõ về những gì đang thực sự diễn ra.
Nhưng nếu không có sự khẳng định bên ngoài về những gì một đứa trẻ cảm thấy là đúng, thì trong tâm đứa trẻ sẽ nảy sinh sự chia rẽ — sự xung đột giữa những gì đứa trẻ được kể và những gì chúng biết theo trực giác là đúng. Trẻ em sẽ trở nên không tin tưởng bản thân chứ đừng nói đến việc tin tưởng vào cha mẹ. Vì những khuôn mẫu như thế này, việc thừa nhận sự thật về đau khổ là một sự giải thoát to lớn cho tất cả những người có liên quan.
Nhưng Đức Phật không chỉ dạy về đau khổ, mà Ngài còn dạy về sự chấm dứt đau khổ. Một người bạn của tôi đã từng nhận xét rằng đây không phải là một, mà là hai lời dạy.
Từ một góc nhìn, chúng rõ ràng là hai — hoặc chúng ta đang đau khổ hoặc chúng ta đang giải thoát. Chúng ta biết sự khác biệt trong cơ thể chúng ta, trong trái tim của chúng ta, trong xương tủy của chúng ta. Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào lời dạy này, chúng ta bắt đầu phát hiện ra tính toàn hảo của nó. Đối với bất kỳ trải nghiệm nào, ngay cả một trải nghiệm đau đớn, chúng ta cũng có thể tìm thấy cách chấm dứt đau khổ ngay trong chính thời điểm này.
Nhưng Đức Phật không chỉ dạy về đau khổ, mà Ngài còn dạy về sự chấm dứt đau khổ.
Tuy nhiên, khi chúng ta đối mặt với đau khổ và không thể thay đổi “kết cục của câu chuyện,” thì đau khổ sẽ kết thúc như thế nào? Đây là một trong những tình huống khó khăn nhất mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống của mình.
Chúng ta bắt đầu bằng cách không phủ nhận nỗi đau, bằng cách thừa nhận sự thật về đau khổ. Chúng ta không trở nên cam chịu hoặc thờ ơ với nó; chúng ta nhìn vào nỗi đau khổ và khám phá khả năng to lớn của trái tim mình để dung chứa tất cả các khía cạnh của cuộc sống trong sự nhận biết của chúng ta.
Khi chúng ta cảm nhận về tấm lòng bao la này, chúng ta nhận ra rằng thực ra không phải là bản thân nỗi đau, mà là sự cô đơn khi cảm thấy chỉ có một mình gặm nhấm nỗi đau chính là điều không bình thường và tàn nhẫn.
Khi chúng ta cởi mở với điều này một cách trọn vẹn, chúng ta có thể chạm đến một sự thật thiết yếu về chính cuộc sống: đau khổ dù thuộc loại này hay loại khác thì đều là một phần tự nhiên của sự tồn tại. Biết được sự thật này mang lại cho cuộc sống của chúng ta sự trọn vẹn và bình an, vì nó giải phóng chúng ta khỏi những thái độ mệt mỏi của sự giả vờ và phủ nhận.
Đôi khi, khi chúng ta mở lòng đón nhận đau khổ và nhìn thấy gốc rễ của nó, chúng ta cũng thấy rõ những hành động mà chúng ta có thể làm để giảm bớt đau khổ. Ví dụ, cậu con trai nhỏ của bạn tôi đỡ đau khổ hơn nhiều vì được mẹ chăm sóc và giúp đỡ. Theo cách này, con đường đi đến chấm dứt đau khổ bao gồm việc nhìn thấy rõ ràng nỗi đau và thay thế sự phủ nhận bằng sự nhận biết và lòng trắc ẩn.
Không biết bao nhiêu lần khi tôi gặp người thầy của mình, Ngài U Pandita, tôi đã nói với Ngài: “Mọi thứ thật sự tồi tệ. Đầu gối con đau nhức, lưng con đau ê ẩm, đầu óc con thì mông lung; con không thể thực hành được.” Vì vậy, nhiều lần Ngài lắng nghe và sau đó chỉ đơn giản trả lời: “Đây là dukkha (khổ), không phải sao?”
Tôi ngồi trước mặt Ngài nhiều lần, nhìn Ngài với sự kỳ vọng to lớn, chờ Ngài gợi ý giải pháp ma thuật — bất cứ điều gì có thể khiến cho những khó khăn biến mất. Khi tôi chờ đợi, tất cả hy vọng và sợ hãi của tôi hiện rõ, Ngài chỉ lặp lại, “Đây là dukkha (khổ), không phải sao?”
Mặc dù lúc đầu rất thất vọng, nhưng giải đáp của Ngài U Pandita cuối cùng đã giúp tôi cảm thấy vô cùng giải thoát. Chẳng có gì tôi có thể làm hoặc thay đổi được so với sức mạnh và sự giải thoát của lần đầu tiên cởi mở nhận ra: “Đây là dukkha.”
Về cơ bản, những lời của Ngài U Pandita đã khiến tôi hiểu rằng những khó khăn của tôi không chỉ là một màn kịch cá nhân, mà còn là một cơ hội mở ra một khía cạnh thực sự của cuộc sống. Đau khổ phải được nhìn thấy và thừa nhận, không phải vì mục đích đắm chìm trong nó, hoặc lạc vào nó, mà để cởi mở trọn vẹn hơn nữa với sự thật, và với tất cả chúng sinh.
Có những lúc chúng ta không thể thay đổi “kết thúc của câu chuyện” và làm cho mọi đau khổ biến mất. Nhưng kết thúc thay đổi một cách tự nhiên khi chúng ta liên hệ sự thật trước mắt chúng ta với sự nhận biết và lòng trắc ẩn. Đây là lời dạy của Đức Phật: chân lý của khổ đau cũng là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau.